Thái Bình giới thiệu danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn và tiềm năng hợp tác tại Pháp
Paris, ngày 10/4/2025 – Nhân dịp tham gia các hoạt động bên lề kỳ họp lần thứ 221 của Hội đồng Chấp hành UNESCO, tỉnh Thái Bình đã tổ chức hội nghị tại Trung tâm


Paris, ngày 10/4/2025 – Nhân dịp tham gia các hoạt động bên lề kỳ họp lần thứ 221 của Hội đồng Chấp hành UNESCO, tỉnh Thái Bình đã tổ chức hội nghị tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Paris nhằm giới thiệu danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, quảng bá văn hóa và xúc tiến du lịch, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác tại Pháp.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Nghiêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình – nhấn mạnh vị thế ngày càng phát triển của tỉnh Thái Bình trong vùng kinh tế năng động của Việt Nam. Với bề dày truyền thống văn hóa, quê hương của nghệ thuật chèo và nhiều lễ hội đặc sắc, Thái Bình không chỉ là vùng đất “địa linh nhân kiệt” mà còn là nơi sinh ra danh nhân Lê Quý Đôn – nhà bác học vĩ đại của Việt Nam thế kỷ XVIII.
Lê Quý Đôn (1726-1784), sinh tại làng Diên Hà, nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, là một trong những học giả kiệt xuất với hơn 40 bộ sách bao quát các lĩnh vực lịch sử, địa lý, văn hóa, văn học và triết học. Ông được ví như “túi khôn của thời đại” và để lại dấu ấn sâu đậm trong nền tri thức dân tộc.
Tại hội nghị, tiến sĩ Phan Mạnh Dương – thành viên Ban soạn thảo hồ sơ danh nhân Lê Quý Đôn trình UNESCO – đã trình bày về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của ông. Đồng thời, tỉnh Thái Bình bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với các tổ chức, đối tác Pháp trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và ứng phó biến đổi khí hậu.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp, ông Đinh Toàn Thắng, cũng nhấn mạnh giá trị to lớn mà Lê Quý Đôn mang lại cho kho tàng tri thức Việt Nam, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế và kiều bào tại Pháp chung tay quảng bá danh nhân này và ủng hộ việc UNESCO vinh danh nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh ông vào năm 2026.
Đáng chú ý, vào ngày 10/4/2025, kỳ họp lần thứ 221 của Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Paris đã chính thức thông qua quyết định khuyến nghị Đại hội đồng UNESCO (vào tháng 11/2025) vinh danh và cùng kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Lê Quý Đôn. Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, đánh giá đây là quyết định quan trọng, thể hiện sự công nhận quốc tế đối với học giả xuất sắc của Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội nghị, các học giả Pháp bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới Lê Quý Đôn, đặc biệt là các tác phẩm thư tịch và nghiên cứu lịch sử, địa chí của ông. Theo chị Nguyễn Thị Sông Hương từ Đại học Sorbonne (Paris), Lê Quý Đôn được biết đến ở phương Tây là học giả có đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực văn hóa, lịch sử và văn học.
Thông qua các hoạt động tại Pháp, tỉnh Thái Bình không chỉ góp phần lan tỏa giá trị của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn mà còn thể hiện rõ quyết tâm hội nhập quốc tế sâu rộng, thúc đẩy hợp tác song phương Việt – Pháp trong giai đoạn mới, đặc biệt sau chuyến thăm của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm đến Pháp vào tháng 10/2024.
Hồng Hà (Theo Ngày Nay)
Tóm tắt tiểu sử Lê Quý Đôn
Lê Quý Đôn (2/8/1726 – 11/6/1784), lúc nhỏ tên Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường ; sinh trong gia đình khoa bảng tại làng Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông nổi tiếng thông minh, học giỏi, từng đỗ đầu ba kỳ thi lớn : Giải nguyên (Thi Hương, 1743), Hội nguyên và Bảng nhãn (Thi Hội và thi Đình, 1752).
Về đường quan chức, hiếm có ông quan nào như Lê Quý Đôn lại trải nhiều lĩnh vực, tham dự nhiều công việc từ triều chính tới địa phương, từ nội trị tới ngoại giao như thiết lập pháp chế, soạn điển chế, quốc sử, tham dự đánh dẹp khởi loạn, khám duyệt hộ khẩu, thuế khóa, lập sổ hộ tịch, khẩn hoang, lập đồn điền, điều tra sự nhũng lạm của quan lại, khảo sát tình hình đời sống dân chúng và chủ khảo nhiều khoa thi Hội, …
Tác phẩm của Lê Quý Đôn thống kê có tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển, nhưng một số bị thất lạc. Những tác phẩm tiêu biểu của ông còn giữ được có thể kể ra như sau :
Về những kiến thức bao quát :
– Quần thư khảo biện, chứa đựng nhiều quan điểm về triết học, lịch sử, chính trị.
– Vân đài loại ngữ, đây là một loại “bách khoa thư”, trong đó tập hợp các tri thức về triết học, khoa học, văn học… sắp xếp theo thứ tự : Vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội… – Đại Việt thông sử, còn gọi Lê triều thông sử, là bộ sử được viết theo thể ký truyện, chép sự việc theo từng loại, từng điều một cách hệ thống, bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Cung Hoàng, bao quát một thời gian hơn 100 năm của triều Lê, trong đó chứa đựng nhiều tài liệu mới mà các bộ sử khác không có, đặc biệt là về cuộc kháng chiến chống Minh.
– Kiến văn tiểu lục, là tập bút ký nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ đời Trần đến đời Lê. Ông còn đề cập tới nhiều lĩnh vực thuộc chế độ các vương triều Lý, Trần, từ thành quách núi sông, đường xá, thuế má, phong tục tập quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ văn, sách vở…
– Phủ biên tạp lục, được viết trong thời gian Lê Quý Đôn làm Hiệp trấn Thuận Hóa. Nội dung ghi chép về tình hình xã hội Đàng Trong từ thế kỷ thứ 18 trở về sau.
Về văn chương :
Công trình biên soạn lớn nhất của Lê Quý Đôn là bộ Toàn Việt thi lục 6 quyển, tuyển chọn 897 bài thơ của 73 tác giả từ thời Lý đến đời Lê Tương Dực (1509 – 1516).
Về sáng tác văn xuôi, theo Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn có Quế Đường văn tập 4 quyển, nhưng sách này đã mất. Về sáng tác thơ, Lê Quý Đôn để lại có Quế Đường thi tập khoảng vài trăm bài làm ở trong nước và trong thời gian đi sứ Trung Quốc.
Nhận xét tổng quát về thơ văn Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú viết: “Ông là người học vấn rộng, đặt bút thành văn. Cốt cách thơ trong sáng. Lời văn hồn nhiên…, không cần suy nghĩ mà trôi chảy dồi dào như sông dài biển cả, không chỗ nào không đạt tới, thật là phong cách đại gia”.