Home / Trang chủ  / Tin tức  / Thói quen « chạy việc » hay cơ chế Xin-Cho

Thói quen « chạy việc » hay cơ chế Xin-Cho

Thay vì đi "tìm việc" đúng với khả năng để mang lại thu nhập trăm triệu, nhiều người đảo lộn quy trình : bỏ ra hàng trăm triệu chạy chọt để "xin việc".. Tình trạng này

Thay vì đi “tìm việc” đúng với khả năng để mang lại thu nhập trăm triệu, nhiều người đảo lộn quy trình : bỏ ra hàng trăm triệu chạy chọt để “xin việc”.. Tình trạng này không có gì lạ suốt hàng thập kỷ qua ở Việt Nam. Tâm lý thích được làm việc trong Nhà nước để ổn định và có chút tiếng tăm với họ hàng làng xóm vô tình kéo dài sự tồn tại của cơ chế xin cho, nhất là ở các cơ quan Nhà nước.

Trực tiếp chứng kiến thực trạng này diễn ra trong chính gia đình mình, độc giả Dvnminh chia sẻ: “Tôi theo vợ về quê vì vợ xin được việc ở chỗ ổn định (theo lời bố mẹ nói), đó là làm giáo viên dạy tiếng Anh hợp đồng cho một trường tiểu học. Để có vị trí này, gia đình vợ đã phải bỏ ra ít nhất 120 triệu đồng và nhiều khoản nhỏ khác. Đổi lại, vợ tôi nhận được một công việc không được trả lương hàng tháng, chỉ nhận một cục vào cuối học kỳ hoặc cuối năm (tổng kết theo số tiết). Ít nhất, gia đình vợ cũng xem đó như một công việc ổn định.

Nhưng Covid-19 ập đến, trong suốt hai năm, khoản thu nhập từ công việc này của vợ tôi chỉ có vỏn vẹn 20 triệu đồng (trường học đóng cửa). Nhiều lúc, vợ muốn bỏ việc nhưng rồi lại tiếc số tiền đã bỏ ra để xin vào, không biết chừng nào mới gỡ lại được, nên cứ phải cố bám trụ”.

Cũng ở vào hoàn cảnh được gia đình sắp xếp chạy xin việc, tuy nhiên, bạn đọc Thuyan.may lại có sự lựa chọn khác: “Em họ tôi tốt nghiệp ngành tài chính, đã từ chối về quê làm kế toán theo sự sắp xếp của gia đình, mà phấn đấu ở lại Hà Nội, chấp nhận bon chen (theo cách nói của các cụ). Tôi hỏi lý do vì sao chọn ở lại, trong khi về quê được ở gần nhà gia đình, không mất công tìm việc, sướng gấp nhiều lần, em trả lời : ‘Các bạn học của em chẳng mấy ai có điều kiện để xin việc vào cơ quan Nhà nước cả, tất cả tốt nghiệp xong cũng phải cố gắng tự đi tìm việc nhưng đều làm được, vậy chẳng lẽ em lại không ?’. Tôi là người duy nhất ủng hộ lựa chọn của em, trong khi cả nhà lao vào sỉ vả em”.

Trong một cuộc khảo sát của Thanh tra Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới cách đây vài năm, 79% viên chức được hỏi thừa nhận đã được hưởng lợi từ nguồn thu nhập phụ không nằm trong quy chế, trong đó cứ chín người thì có một cho biết số tiền họ kiếm thêm bằng ít nhất 50% lương định kỳ. 25% công chức thừa nhận từng nhận tiền hoặc quà để lợi dụng chức vụ biệt đãi người tặng quà. 17% số người được hỏi khác cho biết họ thậm chí đã duyệt thăng chức cho các nhân viên thiếu năng lực vì lợi ích cá nhân. Một số người thừa nhận đã chạy tiền để đổi lấy một vị trí trong cơ quan Nhà nước.

Khẳng định sai lầm trong tư duy chạy việc, độc giả Hùng Cường nhấn mạnh : “Tôi thấy phần lớn các gia đình có quan điểm phải ‘chạy’ cho con vào cơ quan Nhà nước để ổn định, với hy vọng đi làm mọt số năm sẽ bù lại được chi phí đó. Nhưng không phải ai cũng có các khoản ngoài lương, nên nhiều bạn trẻ sau khi đi làm ở môi trường ‘ổn định’ đó lại ca thán lương thấp, kêu không bằng công nhân nọ kia. Đúng là khó thay đổi quan điểm của thế hệ phụ huynh nhưng chính lớp trẻ cũng nên mạnh dạn tự lựa chọn hướng đi cho mình”.

“Lương Nhà nước làm thâm niên chục năm có khi còn thấp hơn cả lương thử việc của doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài, vậy mà nhiều phụ huynh vẫn muốn con mình lao vào. Họ muốn gì ? Đó là : kiếm lợi lộc từ chức vụ ; công việc nhàn nhã, sung sướng ; ổn định lâu dài ; được hưởng lương hưu theo chế độ Nhà nước.

Tình trạng chạy tiền xin việc không chỉ hoành hành ở cơ quan Nhà nước. Khu vực tư nhân cũng có tình trạng này, dù có thể không nghiêm trọng bằng. Nhiều người coi chuyện chạy tiền xin việc là bình thường. Họ cho rằng ai cũng làm như thế, nên việc họ làm chẳng có gì sai trái.

Ngược lại, độc giả Hoaphuonghp95tc cho rằng, khoản đầu tư tốt nhất không phải là bỏ tiền chạy xin việc mà là đầu tư cho chính bản thân mỗi người : “Xin việc cả trăm triệu đồng cũng như một vụ đầu tư. Họ bỏ vốn ra để đầu tư một sản phẩm mà bản thân nghĩ sẽ kiếm được nhiều lời nhất, có lợi ích lớn và lâu dài nhất. Và khi đầu tư thì tất cả lại quay về quy luật thị trường, quy luật cung cầu. Ai không tự thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh sẽ phải chịu đào thải. Kể cả trong môi trường Nhà nước, áp lực và cạnh tranh lại càng khốc liệt hơn do vị trí ít, mà ai cũng có người quen.

Nhưng có lẽ mọi người quên mất phương thức đầu tư tốt nhất và an toàn nhất là đầu tư cho chính bản thân mình : đầu tư mọi nguồn lực để phát triển bản thân, tìm tòi và phát triển các thế mạnh của bản thân. Khi đó, chúng ta có thể làm chủ bản thân, được phép lựa chọn công việc cho mình mà không phải đi xin việc hay tìm việc. Việc sẽ phải tự tìm đến chúng ta để chúng ta lựa chọn”.

Vậy làm gì để bỏ được cơ chế “xin việc” ?

Bạn đọc tmt483 cho rằng, để bỏ cơ chế “xin việc'” thì thay đổi “quan niệm từ thế hệ lớn tuổi” và “những chuyển động tự thân mạnh mẽ của lớp trẻ” là chưa đủ. Việc quan trọng cần phải làm là :

1. Hệ thống thi tuyển công chức cần phải rõ ràng, minh bạch, có sự giám sát của các hội đoàn chuyên môn. Ví dụ như các quy chế thi hành nghề ở các nước. Có được vị trí mà không hành nghề được thì cũng bằng không. Hệ thống hai lớp vừa thi tuyển công chức do Nhà nước quản lý, vừa sát hạch tay nghề chuyên môn của công chức trong từng lĩnh vực (luật, y tế, quản lý kinh tế…) do hội đoàn chuyên môn giám sát thì mới công bằng.

2. Cải cách tiền lương của công chức. Hiện nay rất nhiều người muốn vào làm công chức nhưng lương thì thấp dẫn đến có nhiều tiêu cực và ẩn khuất phía sau. Cá nhân tôi quan sát thấy ở nhiều nước, lương công chức luôn khá cao. Giả sử lương công chức tại TP HCM cũng gấp đôi, tức là 18 triệu đồng một tháng so với mức trung bình (9 triệu đồng một tháng) thì những người giỏi và tâm huyết sẽ có động lực hơn để ứng tuyển. Hiện nay đa số tâm lý đầu cơ vào một công việc ‘tốt’ là do họ nghĩ rằng tiềm năng thu nhập là vô hạn.


dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

POST A COMMENT

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Skip to content