TP HCM sau 37 ngày giãn cách xã hội
TP HCM những ngày qua đang áp dụng biện pháp mạnh nhất kể từ khi làn sóng dịch thứ 4 xuất hiện. Người dân đã trải qua 37 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ
TP HCM những ngày qua đang áp dụng biện pháp mạnh nhất kể từ khi làn sóng dịch thứ 4 xuất hiện. Người dân đã trải qua 37 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong đó, thành phố có 20 ngày áp dụng thêm các biện pháp tăng cường như cấm ra đường, ngưng các hoạt động không thiết yếu sau 18h… Và dự kiến, sẽ còn áp dụng sau 15/08/2021.
Khoảng thời gian này, số ca mới mỗi ngày trên địa bàn không còn ở mức 5.000-6.000 ca như trước đó mà duy trì con số gần 4.000, phần lớn trong các khu phong tỏa. Chẳng hạn, một tuần gần nhất từ 5/8, trung bình mỗi ngày, thành phố ghi nhận gần 3700 ca nhiễm, trong đó 78,6% ở khu phong tỏa, 2,3% trong khu cách ly, 17,7% qua sàng lọc tại bệnh viện. Hiện các ổ dịch mới trong cộng đồng không còn thấy phát hiện.
Số ca từ vong khá lớn
Tỷ lệ tử vong đang ở mức cao, trung bình 241 ca/ngày. Tính đến ngày 13/8, tổng số tử vong 4.030 ca, số nhiễm là 140.288. Có thể nêu ra một số nguyên nhân như sau :
- Tình trạng quá tải, đang gặp khó khăn đối với nguồn nhân lực y tế. Thành phố cần bổ sung hơn 12.000 người gồm 2.800 bác sĩ, 8.200 điều dưỡng, kỹ thuật viên và 1.000 giảng viên, sinh viên tham gia công tác phòng, chống dịch. Trong đó, đặc biệt cần đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn về hồi sức, hồi sức tích cực, hồi sức nâng cao.
- Mặc dù có máy thở và các thiết bị hỗ trợ hô hấp cho người bệnh nhưng không chủ động đáp ứng được nguồn cung cấp oxy nên bị rơi vào cảnh “trở tay không kịp” dẫn tới tình trạng bệnh nhân COVID-19 tử vong hàng loạt. Có những trường hợp bệnh diễn tiến rất nhanh, khi tiếp nhận bệnh thì có thể đang khỏe mạnh bình thường nhưng chỉ vài giờ sau đã đột ngột trở nặng. Trong tình huống bệnh nhân đột ngột trở nặng, oxy chính là chìa khóa để bảo toàn tính mạng tại chỗ của bệnh nhân.
Mặt khác, một số địa phương có xu hướng quá lo, tình trạng bệnh nhân chưa đến nỗi phải điều trị ở mức nguy hiểm mà đã chuyển họ đi lên tuyến trên, trên đường đi đã gây ra một số ca tử vong vì thiếu oxy.
5 tầng điều trị
TPHCM chia các cơ sở y tế thành 5 tầng điều trị : mỗi cơ sở chỉ lo giải quyết các bệnh nhân thuộc diện tầng mình phụ trách.
Cụ thể, mô hình tháp 5 tầng gồm :
- Tầng 1 là chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại ngay địa bàn của mình (quận, huyện và thành phố Thủ Đức). Nhiệm vụ của tầng này là sàng lọc người bệnh COVID-19 có triệu chứng nhẹ để quyết định có thể giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú theo quy định. Mục tiêu là chăm sóc và điều trị ban đầu các trường hợp COVID-19 có triệu chứng nhẹ ; và xử trí cấp cứu trong khả năng của mình các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi phải chuyển viện.
- Tầng 2 là Bệnh viện dã chiến có nhiệm vụ điều trị cho khỏi các trường hợp có triệu chứng nhẹ, và điều trị các bệnh lý nền kèm theo ; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện.
- Tầng 3 là Bệnh viện có nhiệm vụ điều trị ở mức cơ bản đối với các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng trung bình và nặng. Đồng thời hồi sức cấp cứu (thở máy) cho một số trường hợp chuyển biến nặng ; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Đây là tầng hiện đang gặp nhiều khó khăn do quá tải tại TP Hồ Chí Minh, đang được huy động để hỗ trợ.
- Tầng 4 là Bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Tầng này có nhiệm vụ điều trị điều trị các trường hợp mắc COVID-19 nặng có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm ; hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục) cho các trường hợp nặng.
- Tầng 5 là Bệnh viện hồi sức COVID-19. Ở tầng cao nhất này là những bệnh viện được trang bị đầy đủ các phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp COVID-19 nguy kịch.
Để làm được điều này, Tp đã đầu tư rất nhiều về máy móc, trang thiết bị cho các tầng liên quan.
Khái niệm về các « vùng xanh »
“Bây giờ, nơi nào còn xanh, chúng ta phải giữ cho chắc”, thành phố phải vừa cố gắng dập dịch ở các “vùng đỏ” (nơi nguy cơ rất cao), “vùng cam” (nguy cơ cao) và vừa giữ chắc “vùng xanh” (nơi không có dịch).
Mỗi “vùng xanh” sẽ cấm người lạ ra vào, chỉ bố trí một lối lưu thông, đảm bảo kiểm soát 24/24… theonguyên tắc “giữ chặt, kiểm soát nghiêm”. Người dân trong các khu vực thuộc vùng xanh phải được kiểm danh, kiểm diện hàng ngày. Chính quyền địa phương có nhiệm vụ quản lý, kiểm soát ra vào, đảm bảo an ninh trật tự, nhất là cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm cho người dân sống tại đó.
Có thể nói, đây là một loại phong tỏa nghiêm ngặt, hơi « trại lính » một chút và đòi hỏi rất nhiều về nâng cao vai trò ý thức của mỗi cá nhân, bảo vệ vùng xanh và mở rộng để phủ xanh trong thành phố theo tinh thần “đã xanh càng xanh hơn, vàng thì chuyển lên xanh và đỏ thì chuyển màu dần để tiến về xanh”.
Tiêm vắc-xin
Cùng với siết chặt Chỉ thị 16, TP HCM cũng đẩy nhanh độ phủ vắc-xin cho hơn 7 triệu người ở nhóm tuổi trên 18, xem đây là “vũ khí” đối phó virus chủng Delta khi mà nó đang được đánh giá có khả năng xuyên thủng ba “lá chắn” mà từ hơn một năm nay được đánh giá là thành công của Việt Nam : truy vết, khoanh vùng, cách ly
.
Tốc độ tiêm vắc-xin liên tục được đẩy nhanh, đặc biệt từ 31/7. Thành phố đã tăng đội thực hiện tiêm ngừa lên 1.200 đội, tiêm liên tục cả ngày lẫn đêm. Ngày cao điểm TP HCM đã tiêm hơn 310.000 liều vắc-xin. Đến thời điểm 13/8, đã có 4 quận huyện tiêm đầy đủ mũi 1 cho gần 100% dân số từ 18 tuổi trở lên. Đó là quận Phú Nhuận, quận 5, quận 11 và huyện Cần Giờ.
Tuy nhiên, giống như nhiều địa phương bùng phát dịch, khi tiến độ tiêm được đẩy cao, thành phố đối mặt với khó khăn thiếu hụt nguồn vắc-xin.
Với tất cả các biện pháp trên, TPHCM đặt mục tiêu sẽ kiềm chế được sự lây lan vào thời điểm 15/09/2021.
Tổng hợp