Trích sách Quyển sách Một thế kỷ/CUỘC SỐNG CỘNG ĐỒNG 2
CUỘC SỐNG CỘNG ĐỒNG Những trại hè đầy ắp kỷ niệm
CUỘC SỐNG CỘNG ĐỒNG
A. Phong trào Việt kiều với những hoạt động xây dựng đời sống cộng đồng:
II Những trại hè đầy ắp kỷ niệm :
Bên cạnh việc tổ chức các ngày lễ lớn như Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, Hội còn thường xuyên tổ chức các trại hè đầy ý nghĩa.
Từ năm 1954 trở đi, mỗi năm Hội người Việt Nam tại Pháp đều tổ chức trại hè, mời một số quan khách địa phương, với khẩu hiệu đòi các bên tham gia ký kết phải thi hành Hiệp định Genève. Đây là dịp thu hút cảm tình viên cho Việt Nam, là nơi tập hợp, học tập và đào tạo cán bộ nguồn cho phong trào, là nơi học việc trong cuộc sống hàng ngày như nấu cơm, rửa bát, giúp đỡ nhau học hành… Những người tham gia vào Ban trách nhiệm trại hè là những cán bộ tương lai của Hội. Những năm đầu, Hội lấy ngày 20 tháng 7 là ngày mở đầu của trại.
Năm 1954, trại hè toàn quốc đầu tiên được tổ chức tại Tours và đêm 20/7 là một đêm trắng.
Năm 1956, trại hè đông nhất toàn quốc, được tổ chức tại Orédon thuộc tỉnh Hautes Pyrénées.
Thành phần tham gia giai đoạn này chủ yếu là sinh viên (90%), chỉ một người duy nhất lúc đó có xe hơi là ông Dương Quang Trung. Cuộc sống của đa số giản dị, kinh tế đơn sơ nhưng tấm lòng giàu nhân ái, yêu nước vô bờ bến, nên họ thấy những trại hè được tổ chức hợp với túi tiền, lại là nơi hội tụ của cộng đồng ấm cúng tình đồng hương, đồng bào. Từ việc sinh hoạt mang tính chất chính trị, trại hè cũng là nơi gặp gỡ, gắn bó, chia sẻ tình cảm, là nơi thể hiện sự đoàn kết, nhân ái qua các dịp sinh hoạt cộng đồng. Một số người trong họ đã trở thành bạn đời của nhau, bạn tri kỷ… Họ có con và vì vậy sau này thành phần sinh hoạt trại còn có thêm thiếu nhi, thiếu niên.
Từ năm 1959 đến năm 1965, Hội bị chính quyền sở tại cấm sinh hoạt, nhưng vẫn tổ chức đều đặn các trại hè nhưng không công bố ai đứng ra tổ chức.
Năm 1965, Hội Liên hiệp sinh viên ra đời và đã tổ chức trại hè đầu tiên chính thức của Hội tại Sète. Năm 1967-1968, có thêm trại Trí thức – Công nhân.
Từ năm 1968 đến năm 1975, trại hè hàng năm đông đảo, sôi nổi, nhiều thành phần tham dự, trong đó có cả một số thành viên của Đoàn đàm phán Hiệp định Paris (Bà Nguyễn Thị Bình, sau này là Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và nhiều người khác).
Các năm 1968, 1969, trại hè được tổ chức tại Sète. Cùng với 2 trại hè năm 1954 và năm 1956 nêu trên, các trại hè tại Sète đã để lại dấu ấn trong lòng bà con.
Sau năm 1975, các trại hè vẫn được duy trì cho đến năm 2002, nhưng về mặt hình thức cũng như nội dung có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây, trong suốt thời gian trại, mỗi ngày có buổi thảo luận về đề tài văn hóa, chính trị, thì sau này các thủ tục đó không còn nữa. Vẫn tiếp tục tổ chức trại hàng năm vào mùa hè nhưng không còn lấy ngày 20/7 làm ngày chủ đạo, không còn đào tạo chính trị hay cán bộ cho Hội, không còn tranh thủ hoạt động đối ngoại với các địa phương nữa và bớt dần đấu tranh chính trị. Thành phần tham dự cũng giảm nhiều vì một số thành viên tranh thủ đưa gia đình về Việt Nam nghỉ hè, thăm gia đình, quê hương.
Trong thời gian 2 năm, từ 1976 đến 1978, khoảng 40 người (hầu hết là những trụ cột tổ chức trại) đã trở về Việt Nam làm việc và sinh sống. Tuy nhiên các trại hè vẫn được tổ chức để đáp ứng nhu cầu nghỉ hè của bà con. Phía Hội còn tổ chức nhiều đoàn về thăm Việt Nam, giúp các thành viên làm visa, mua vé máy bay v.v…
Những năm sau này, để giúp mọi người gắn bó hơn với đất mẹ, khơi dậy tình yêu quê hương và lòng tự hào dân tộc, Hội còn cử thanh niên kiều bào về tham dự các hoạt động “Trại hè Việt Nam” suốt dọc chiều dài đất nước, dự các cuộc gặp gỡ thanh niên sinh viên trong nước, hoặc tham gia các festival được tổ chức tại Huế v.v.