Triển lãm về thảm họa chất độc da cam tại Hội quán HNVNTP
Toàn cảnh vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam, từ lịch sử đến hiện tại, từ nguyên nhân đến hậu quả và khắc phục được phản ánh trong 10 bức tranh đồ họa
Toàn cảnh vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam, từ lịch sử đến hiện tại, từ nguyên nhân đến hậu quả và khắc phục được phản ánh trong 10 bức tranh đồ họa của cô gái trẻ mang tên Võ Trâm Anh, một Việt kiều Pháp.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt nam (10/8/1961-10/8/2021), tại trụ sở Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) ở Paris, Hội thanh niên Việt Nam tại Pháp (UJVF) phối hợp với tổ chức Collectif Vietnam Dioxine khai mạc triển lãm tranh đồ họa về chất độc da cam do họa sĩ Trâm Anh thực hiện.
Đây là lần đầu tiên chủ đề da cam được thể hiện bằng hình thức này và triển lãm tại Pháp. Bằng phương pháp kể truyện tranh kết hợp với đồ họa, họa sỹ trẻ Trâm Anh đã tái hiện thành công thảm họa chất độc da cam trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, những miền đất bị tàn phá, những nạn nhân mang trong mình nỗi đau với hình hài biến dạng, những cuộc đấu tranh giành công lý và cả sự chung tay, trợ giúp của bạn bè Pháp và Việt kiều để xoa dịu nỗi đau da cam.
Triển lãm cũng là dịp để giới thiệu các dự án tín dụng nhỏ được triển khai nhằm giúp đỡ những người khuyết tật ở vùng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam của Quảng Bình với sự tham gia của các hội đoàn UJVF, Zebunet, FORIM và Song Việt.
Giải thích về ý tưởng của cuộc triển lãm, Võ Trâm Anh tâm sự : “Tôi sinh ra và lớn lên ở Pháp, nhưng đọc các bài báo của cha về chất độc da cam ở Việt Nam, xem những tấm ảnh cha chụp những đứa trẻ dị tật do chất dioxine gây ra, tôi có thể hình dung được nỗi đau của họ.
Và khi tham gia vào các hoạt động ủng hộ nạn nhân da cam được tổ chức tại Pháp như vụ kiện của bà Trần Tố Nga, tôi nghĩ cần phải làm gì đó để ủng hộ các nạn nhân này. Từ đó tôi quyết định vẽ tranh, kết hợp với thông tin đồ họa để kể câu chuyện da cam một cách thân thiện, dễ hiểu, hài hước nhưng không kém phần cảm động”.
Theo Trâm Anh, chất độc da cam Việt Nam là vấn đề phức tạp và chứa đựng rất nhiều thông tin về môi trường và xã hội. Kể câu chuyện dài một cách ngắn gọn và dễ hiểu là điều không dễ.
Cô đã lựa chọn phong cách vẽ tranh đồ họa để có thể tóm tắt được nhiều thông tin qua lối kể chuyện sinh động, thân thiện, ngắn gọn, dễ hình dung, nhưng vẫn mang đầy đủ thông điệp muốn chuyển tải, thu hút được sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là giới trẻ Pháp và những bạn trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Pháp như cô.
Lần đầu tiên làm triển lãm bằng tranh đồ họa, Trâm Anh đã nhận được sự phối hợp nhiệt tình của tổ chức Collectif Vietnam Dioxine trong việc thu thập tư liệu và thông tin liên quan đến chủ đề này.
Anh Võ Định Kim, điều phối tổ chức Collectif Vietnam Dioxine, thành viên Ban Tổ chức chia sẻ: “Triển lãm là một trong những hoạt động nhằm kỷ niệm 60 năm ngày quân đội Mỹ rải chất độc da cam ở Việt Nam. Thông qua triển lãm, chúng tôi muốn kể câu chuyện da cam ở nước này, những nỗi đau mà nạn nhân phải chịu đựng, để từ đó lan tỏa các hoạt động của chúng tôi nhằm phản đối chất độc da cam, đòi công lý cho các nạn nhân, đồng thời kêu gọi quyên góp, ủng hộ và chia sẻ nỗi đau của các gia đình nạn nhân da cam ở Việt Nam”.
Anh cũng cho biết do dịch bệnh Covid-19, mọi người không thể đến với triển lãm một cách đông đảo, Ban tổ chức đã tranh thủ các nền tảng xã hội như Facebook hay Instagram để giới thiệu sự kiện một cách rộng rãi.
Công chúng trong nước và trên thế giới có nhu cầu xem triển lãm qua mạng, từ nay đến ngày 18/9, có thể liên hệ với Ban Tổ chức qua địa chỉ email contact@vietnamdioxine.org hoặc đến xem trực tiếp tại trụ sở UGVF tại số 16 rue du Petit Musc, quận 4 (Paris).
Từ năm 1961 – 1971, quân đội Mỹ đã đổ xuống Việt Nam 80 triệu lít chất khai quang, trong đó có gần 400kg dioxin, một trong những chất độc mạnh nhất, làm rối loạn chức năng nội tiết tố, miễn dịch và sinh sản, gây ra các bệnh lý như dị tật, suy nhược não, bệnh ngoài da, ung thư, thiếu hụt hệ thần kinh…
Theo Hiệp hội Nạn nhân chất độc da cam / dioxin Việt Nam, cả nước có hơn 4,8 triệu người trực tiếp tiếp xúc với chất khai quang, trong đó 3 triệu người vẫn đang phải chịu hậu quả. Hàng trăm nghìn người trong số họ đã chết trong đau đớn. Những người khác tiếp tục chiến đấu với căn bệnh của họ, những bệnh thường không thể chữa khỏi. Nhiều đứa trẻ sinh ra đã bị dị tật hoặc phải sống thực vật.