Vài chỉ số về người Việt Nam sau 20 năm
Tại Việt Nam, chiều cao trung bình của nữ giới tăng từ 152,3 cm lên 155,6 cm, nam giới từ 162,3 cm lên 168,1 cm sau 20 năm. Chiều cao trung bình của người Việt
Tại Việt Nam, chiều cao trung bình của nữ giới tăng từ 152,3 cm lên 155,6 cm, nam giới từ 162,3 cm lên 168,1 cm sau 20 năm. Chiều cao trung bình của người Việt đang đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á.
Tỷ lệ tử vong mẹ trên 100 nghìn trẻ đẻ ở Việt Nam giảm (năm 2000 có 165 ca, con số này năm 2019 chỉ còn 46 ca). Tử vong mẹ ở vùng 3 (đồng bào dân tộc thiểu số) cao gấp 3 lần vùng thành thị. Đặc biệt, tỷ lệ này ở dân tộc H’mong cao gấp 7, 8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở nông thôn cao gấp đôi thành thị và khoảng cách về tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh ngày càng tăng.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần và tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (tương ứng 31,4% so với 15% và 21% so với 8,5%).
Tỷ lệ phá thai ở Việt Nam đã giảm mạnh từ 37 ca trên 100 ca sinh đẻ (2005) xuống còn 10 ca (2021). So sánh với giai đoạn 1990-1995, trung bình cứ 1 ca đẻ thì có 1 ca phá thai, hiện nay 10 ca đẻ mới có 1 ca phá thai. Tổng số ca phá thai đã giảm từ gần 400 000 ca (năm 2010) xuống dưới 200 000 ca (2019).
Năm 2010, Việt Nam có trên 62 000 ca mang thai ở tuổi vị thành niên (2,9%) năm 2019, con số này giảm xuống còn 55 000 (chiếm 2,4%). Tỷ lệ phá thai vị thành niên có xu hướng giảm. Cụ thể năm 2010, có gần 9.100 ca nạo phá thai, năm 2019 con số này còn 2.300 ca.
Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo thống kê chung, hiện tuổi thọ trung bình của người Việt ở mức cao, trên 73 tuổi, nhưng số năm khỏe mạnh chỉ được 64.
Năm 2011, người cao tuổi Việt Nam chiếm 10% tổng số dân, nghĩa là bắt đầu bước vào quá trình già hóa dân số. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam có gần 11,5 triệu người từ 60 tuổi trở lên (tương ứng chiếm 11,86%).
Theo dự báo, đến năm 2038, tức là chỉ sau khoảng 27 năm, tỷ lệ này sẽ đạt 20% (tăng gấp đôi) và khi đó, nước ta được gọi là có dân số “già”.
Điều này cho thấy, già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn nhiều so với các nước phát triển và nước ta có rất ít thời gian để chuẩn bị cho một xã hội « dân số già ».
Thực tế, trong giai đoạn 2009-2019, tổng dân số tăng trung bình 1,14%/năm trong khi dân số cao tuổi tăng tới 4,35%/năm.