Home / Trang chủ  / Lịch sử  / Vài suy nghĩ nhân kỷ niệm 105 năm sự ra đời của Nhóm người An Nam yêu nước

Vài suy nghĩ nhân kỷ niệm 105 năm sự ra đời của Nhóm người An Nam yêu nước

« Nhóm người An Nam yêu nước tại Pháp » do Nguyễn Tất Thành sáng lập tại Paris năm 1919, là tổ chức tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp ngày nay

Cách đây 5 năm, nhân dịp kỷ niệm 100 năm sự ra đời của « Nhóm người An Nam yêu nước tại Pháp » do Nguyễn Tất Thành sáng lập tại Paris năm 1919, là tổ chức tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp ngày nay, nhiều sự kiện đã được tổ chức, trong đó nổi bật là buổi mít-tinh trọng thể tại nhà hát lớn Mutualité tại quận 5 Paris, thu hút hàng nghìn người thuộc đủ mọi thành phần, từ các bác lớn tuổi sang Pháp trong những năm 1940, đến các sinh viên xuất thân từ miền Nam trong những năm 1960, các anh chị đến sau 1975, các em du học sinh của thế hệ 9X, 10X và các người con sinh ra và lớn lên tại Pháp. Nhân dịp này, Hội cũng cho ra mắt cuốn sách hơn 500 trang « Một thế kỷ – Một con đường 1919 – 2019 » khái quát lịch sử của phong trào người Việt yêu nước tại Pháp trong suốt 100 năm.

Dưới đây, tôi xin có một vài suy nghĩ về tình hình hiện nay của Hội người Việt Nam tại Pháp và các vấn đề đặt ra.

1-Lịch sử gắn bó với quê hương, đất nước

Cụ Nguyễn Du có câu « Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau » để mở đầu truyện Kiều. Nếu nói về HNVNTP, tôi xin mạn phép suy nghĩ rằng « Trăm năm trong cõi người ta, chữ tình chữ mệnh khéo là ghép nhau », tình đây là tình gắn bó với quê hương, đất nướcmệnh đây là sứ mệnh của người con sống xa Tổ quốc. Đã yêu nước thì mình không thể chỉ đứng ngoài nói suông mà phải làm gì đó, dù nhỏ bé nhưng có ích cho đất nước mà mình yêu. Lịch sử của phong trào yêu nước tại Pháp, trong đó điển hình là Hội người Việt Nam tại Pháp luôn luôn trên tinh thần như vậy.

Trong mỗi giai đoạn, Hội đều đồng hành cùng trong nước và đã tự đặt cho mình những nhiệm vụ trọng tâm :

* thời kỳ trước 1954 : mặc dù bị nhà cầm quyền Pháp cấm, nhưng Hội vẫn có những hoạt động chống chính sách thực dân tại Việt Nam, ủng hộ Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải thích và tranh thủ nhân dân Pháp ;

* thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cho đến 1975 : cống hiến tất cả cho thống nhất đất nước (biểu tình chống chiến tranh, giúp hai phái đoàn miền Bắc và Mặt trận tại bàn đàm phán Paris, quyên góp ủng hộ về vật chất, mở các quỹ Chống Mỹ cứu nước, gửi thuốc men, dụng cụ y tế, v.v…) ;

* thời kỳ hậu chiến tranh, đất nước cực kỳ khó khăn (1975-1990) : giúp khôi phục nền kinh tế nước nhà (mở các công ty xuất nhập khẩu đưa các mặt hàng Việt sang thị trường Pháp, gửi các mặt hàng thiết yếu cho Việt Nam, gửi kiều hối, v.v…) ; * thời kỳ đất nước từng bước được khôi phục và phát triển từ 1994 trở đi : đóng góp về chất xám (gửi chuyên gia trên nhiều lĩnh vực về Việt Nam, tham gia vào các đề án, v.v…). Có thể nói thẳng là lúc đầu, Hội làm rất tốt, nhiều đoàn kỹ sư, bác sĩ đã có những đề án hợp tác cùng cac đồng nghiệp tại Việt Nam. Nhưng dần dần sứ mệnh này từng bước chuyển sang sáng kiến của các cá nhân.

Ngày nay, đất nước ngày càng mở cửa ra thế giới, mục đich chính là làm sao đưa đất nước trở thành một nước giàu mạnh, hùng cường thì vấn đề kinh tế là hàng đầu. Tôi rất vui mừng khi đọc được những tin tức về đoàn này, đoàn nọ đã sang Pháp tìm hiểu thị trường hoặc ký kết những hợp đồng với đối tác Pháp. Đây là một đóng góp vô cùng to lớn của Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Pháp. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy các mặt hàng Việt Nam ngày càng nhiều, đa dạng, được bày bán trong các siêu thị lớn nhỏ, vừa Á đông vừa Pháp.

Còn đối với cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài nói chung, theo tôi hiểu, Nhà nước Việt Nam chủ trương :

-Củng cố và phát huy khối đại đoàn kết trong lòng cộng đồng trên các lĩnh vực khác nhau.

-Góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với nước sở tại.

-Góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước, tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ, nhân đạo.

-Giới thiệu đất nước Việt Nam, truyền tải quan điểm của đất nước về các vấn đề quốc tế cũng như quốc nội, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ “từ xa” (vấn đề Biển Đông).

Vậy, HNVNTP nên làm gì, tự đặt cho mình những nhiệm vụ gì ?

2-Thay đổi khách quan và hướng về tương lai

Có thể nói, với những mục đích và việc làm nêu ở phần trên, Hội người Việt Nam tại Pháp đã có được hàng trăm hội viên trong hàng ngũ của mình với hàng ngàn cảm tình viên rải rộng trên khắp các tỉnh thành và được tin cậy trong cộng đồng người Việt tại Pháp. Chính vì vậy mà ngày nay, không phải quá tự đại khi bảo rằng Hội là hội đoàn duy nhất tại Pháp có thể và có khả năng tổ chức được những Tết trung thu, Tết nguyên đán quy tụ đến nhiều ngàn người như thời gian qua.

Về thành phần trong Hội, mà đây là qui luật, những người của các thế hệ sinh ra những năm 1930, 1940 từng bước ra đi. Thế hệ 1950, 1960 cũng đã lớn tuổi.Thành phần trách nhiệm trong Hội nay là lớp thế hệ thứ hai, thứ ba. Do phần lớn sinh trưởng tại Pháp, thế hệ này có cái nhìn của những người con Việt có 2 tổ quốc, tổ quốc Pháp là nơi họ sinh ra và lớn lên, tổ quốc Việt Nam là nơi cội rễ của ông bà, cha mẹ mình, là dòng máu đang chảy trong huyết quản. Trong đó, không nhiều người nói và viết được tiếng Việt, làm cản trở ít nhiều trong việc giao tiếp khi về Việt Nam hoặc trong việc tìm hiểu đất nước Việt Nam qua các kênh truyền thông hay qua báo chí bằng tiêng Việt. Họ có cách nhìn, cách làm, có những tâm tư, suy nghĩ khác với thế hệ cha anh đã từng sống tại Việt Nam. Nhưng xuyên suốt vẫn là hướng về quê cha đất tổ. Ngoài ra, họ còn quan tâm và tham gia vào các tổ chức quốc tế làm từ thiện cho các dân tộc khác nhau trên thế giới (Như Hội thanh niên Việt Nam tại Pháp UJVF đang làm hiện nay).

Trong Hội cũng có các anh chị sang Pháp vào những năm 1980 trở đi. Có nhiều người còn nhỏ tuổi khi chiến tranh đã chấm dứt. Và họ đã trải qua thời kỳ hậu chiến đầy khó khăn, cơ cực. Ngày nay, nhìn về Việt Nam họ không đặt vấn đề « yêu nước » mà là « yêu đồng bào ». Từ đó, họ tha thiết làm được việc gì đó giúp đồng bào nơi quê nhà (đặc biệt là đồng bào đang có khó khăn trong cuộc sống). Trong hai đợt quyên góp từ 2019 đến 2024, chi hội Về Nguồn của Hội đã thu hút được hàng trăm người tham gia và gửi về Việt Nam số tiền trên dưới gần 2000 triệu đồng để xây mới lớp học và phương tiện học tập cho các em nhỏ.

Đồng thời, đồng bào với họ không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà còn là « đồng bào ta » tại Pháp. Do vậy các anh chị em này cũng rất hứng thú khi nhận trách nhiệm tiếp tục lo cho trường học tiếng Việt, một truyền thống vốn dĩ rất lâu đời của Hội từ những năm 1960. Mấy năm vừa qua, có thể nói trường đã dạy tiếng Việt cho hàng trăm em, và cho các bậc cha mẹ người Pháp của các em.

Hội có hai điểm mạnh :

– Thứ nhất, đó là lịch sử gắn bó hàng trăm năm với đất nước, từ thế hệ này sang thế hệ khác, chúng ta đều tự nguyện mà không đòi hỏi lợi ích gì cho mình.

– Thứ hai là có một vị trí không nhỏ trong cộng đồng người Việt tại Pháp, đồng thời cũng có uy tín lớn đối với bạn bè Pháp và chính quyền sở tại.

Theo tôi, với những gì mà chúng ta đang làm và làm tốt, có lẽ Hội có thể :

-Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của Chi hội Về Nguồn về đóng góp thiện nguyện đối với Việt Nam. Sự thành công của 2 đợt đóng góp vừa qua đã chứng minh rằng : uy tín của Hội và sự tin cậy của bạn bè Pháp cũng như của bà con đối với Hội bảo đảm việc « trao tiền » đúng người, đúng nơi, đáp ứng sự trông chờ của các nhà hảo tâm.

-Bên cạnh trường dạy tiếng Việt, Hội cũng nên suy nghĩ về các hướng khác giúp cộng đồng tại Pháp về văn hóa, giải trí, trong cuộc sống thường ngày. Lấy ví dụ, trong thời kỳ Covid, Hội đã làm được đợt đi chợ giúp các bác lớn tuổi, có rất nhiều người ngoài Hội đã hưởng ứng và đăng ký.

-Thắt chặt hơn nữa quan hệ với các hội đoàn bạn như Hội thanh niên và sinh viên tại Pháp (UEVF), nhóm Cánh Diều. Thời gian qua, trên thực tế, các anh chị này đã là lực lượng hậu cần to lớn của Hội trong các lễ hội lớn.

-Gắn bó với cội nguồn vốn dĩ là tâm tư, nguyện vọng đương nhiên của những người xa xứ. Từ những năm 2000 trở đi, hàng loạt hội đoàn người Việt khác tại Pháp đã ra đời, do chính sách rộng mở của Chính phủ Việt Nam coi công đồng người Việt sinh sống tại nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Nhìn chung, cộng đồng người Việt tại Pháp đã tạo cho mình hình ảnh của một cộng đồng đa dạng, phong phú, có những cách làm đặc thù của từng hội đoàn hướng về quê hương. Trong nhiều kỳ Đại hội toàn quốc của Hôi đã đề ra trong Nghị quyết « Nâng cao tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp bằng cách phát triển quan hệ đối tác với các hội đoàn bạn trong hành động và hoạt động của họ ». Do vậy, Hội cần mạnh dạn tạo quan hệ với các hội đoàn khác nhau trên đất Pháp trên cơ sở binh đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

-Trong thời kỳ 4.0 truyền thông bùng nổ, trang điện tử ugvf.com cần đưa đến cộng đồng những thông tin đúng đắn, xác thực về tình hình trong nước vì có quá nhiều những thông tin nhiễu loạn, thậm chí gây hoang mang lòng người trên Tivi hoặc trên các nền tảng xã hội. Phần tiếng Pháp cũng rất quan trọng cho bạn bè Pháp và cho thế hệ hai, ba trong cộng đồng. Nếu tôi không lầm thì trang ugvf.com (và trang ugvr.com của Chi hội Lyon) có lẽ là có một không hai, tôi chưa thấy có hội đoàn nào tại nước ngoài có. Đồng thời, cũng có thể đăng miễn phí quảng cáo cho các cơ sở làm ăn của các cá nhân Việt (tiệm ăn, bán thực phẩm, pharmacie, cabinet médical…

Trên đây là một vài ý kiến nhỏ bé xin đóng góp cùng Hội nhân kỷ niệm 105 năm.

Cuộc đời là một dòng chảy bất tận, không bao giờ đứng yên một chỗ. Lịch sử của Hội người Việt Nam tại Pháp đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, đôi lúc có nguy cơ gục ngã (như thời kỳ 1990) nhưng các hội viên của Hội, hết thế hệ này đến thế hệ sau, đều đứng vững và tự hào vì mình thuộc về một hội đoàn do người trai trẻ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh sáng lập và đã có bề dày lịch sử luôn đồng hành với dân tộc, với đất nước. Chúng ta hãy luôn trân trọng điều này và gìn giữ nó.

Phạm Nguyên Thy

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

Sorry, the comment form is closed at this time.

Skip to content