Vì sao giá vàng trong nước đắt hơn thế giới ?
Giá vàng trong nước ngày 05-05-2022 ở mức 70,35 triệu đồng/lượng, trong khi đó giá vàng trên thế giới là 1966 USD/once, tạo mức chênh 16 triệu đồng/lượng so với thế giới (715 USD). (Chú
Giá vàng trong nước ngày 05-05-2022 ở mức 70,35 triệu đồng/lượng, trong khi đó giá vàng trên thế giới là 1966 USD/once, tạo mức chênh 16 triệu đồng/lượng so với thế giới (715 USD). (Chú ý : giá vàng tại VN tính bằng lượng = 37,5g còn giá vàng trên thế giới tính bằng once = 31,104g). Đã có lúc, giá vàng tại VN còn chênh lệch đến 20 triệu đồng / lượng so với thế giới.
Lý giải điều này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, có mấy nguyên nhân khiến giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn.
Thứ nhất, giá vàng thế giới và giá vàng trong nước có sự liên thông với nhau nên vàng thế giới tăng thì vàng trong nước cũng tăng theo. Tuy nhiên, sự liên thông này không phải là hoàn toàn. Bởi lẽ, theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được Chính phủ giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Đồng thời, chỉ có Nhà nước mới được xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước hiện chỉ cấp phép nhập khẩu cho một vài doanh nghiệp, vì thế nguồn cung vàng trong nước bị hạn chế. Nghị định này đã khiến thị trường vàng trong nước trở thành một thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, chuỗi cung ứng vàng miếng bị đứt đoạn vì thuộc phạm vi độc quyền của Nhà nước. Cụ thể, các doanh nghiệp lớn như SJC, DOJI, PNJ hiện nay đều phải mua được vàng mới có thể bán ra, trường hợp không mua được đủ lượng vàng, doanh nghiệp buộc phải neo giá bán cao.
Thứ hai, vàng là hàng hoá doanh nghiệp trong nước không tự sản xuất được nên phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước để nhập khẩu. Bởi vậy, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới do chịu thêm các chi phí khác như phí vận tải, bảo hiểm…
Thứ ba, nhu cầu về vàng thời gian gần đây tăng rất mạnh. Theo Hội đồng Vàng thế giới, năm 2021 nhu cầu vàng tại Việt Nam ở mức 43 tấn, tăng 8% so với năm trước. 72% người tiêu dùng cho rằng vàng là tài sản an toàn đầu tư và họ sẽ còn tiếp tục đầu tư vào vàng. Người Việt sở hữu vàng cao hơn người dân các nước khác vì có xu hướng dự trữ dài hạn. Ngoài ra, từ bao đời nay, vàng là loại tài sản giá trị lớn, có mặt trong rất nhiều gia đình Việt. Tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung thường quan niệm rằng, vàng đem lại sự may mắn và an tâm lâu dài cho cuộc sống. Truyền thống cất trữ vàng được củng cố trong nhiều năm chiến tranh và tiếp diễn trong thời bình do những biến động kinh tế, lạm phát…, vàng vẫn luôn có giá trị “phòng thủ” an toàn trong nhiều gia đình.
Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng rủ nhau tăng giá khiến vàng trong nước ngày càng đắt.