Viên chức làm thêm và chuyện tinh gọn bộ máy
Những ai đã trải qua thời bao cấp chắc không thể quên được ký ức, nhiều khi là dở khóc dở cười, về chuyện làm thêm của bản thân hoặc của người khác. Hồi ấy
Những ai đã trải qua thời bao cấp chắc không thể quên được ký ức, nhiều khi là dở khóc dở cười, về chuyện làm thêm của bản thân hoặc của người khác. Hồi ấy việc làm thêm của công chức, viên chức rất đa dạng, từ làm bánh rán, bánh trôi, nấu xôi… cho tới đan len, dán hộp bìa carton, bóc lạc, nuôi lợn… Đan len thì đem tới cơ quan để cùng lúc “buôn chuyện – làm việc – đan len”, còn các việc khác chị em tranh thủ lúc sáng sớm và chiều tối, nhiều khi giữa buổi cũng… chạy ra chợ một lúc rồi mới quay lại văn phòng.
Tôi nhớ mãi câu chuyện về nhà giáo Văn Như Cương khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở Liên Xô (cũ), trở về giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào đầu thập niên 1970, để có tiền nuôi gia đình, ông và vợ phải dành một góc nhỏ trong căn hộ tập thể chưa đến 20m2 nuôi hai con lợn. Khi bị lập biên bản thì ông đề nghị ghi rằng “lợn nuôi tôi, chứ không phải tôi nuôi lợn”.
Khoảng 3 thập kỷ trở lại đây, cùng với sự phát triển của đất nước, các kiểu làm thêm thời bao cấp đã dần biến mất. Tiền lương qua nhiều đợt cải cách, kỷ cương hành chính dần được nâng cao, và theo đó việc chấp hành các quy định ở công sở đã chuyển biến theo hướng chuyên nghiệp và tích cực hơn. Tuy nhiên, vấn đề “lương không đủ sống” vẫn còn đó, và chuyện “chân trong, chân ngoài” dù không còn như trước song vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau.
Hình ảnh một bộ phận dân văn phòng kiêm thêm “shop online” đã quen thuộc. Ngay tại phòng làm việc, bạn có thể được đồng nghiệp đáp ứng nhu cầu về quần áo thời trang, mỹ phẩm, nước hoa, hộp vitamin, quà quê, đặc sản vùng miền… Những giao dịch ban đầu có thể là sự cảm thông, chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp, về sau thấy giá cả hợp lý, chất lượng hàng không tệ thì thành “chuyện thường ngày”.
Những giao dịch kiểu “bí mật cả cơ quan đều biết” đó trở nên tiện lợi nhờ thanh toán qua ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử, và hàng hóa thì chuyển gầm bàn làm việc này qua gầm bàn làm việc khác ! Bán hàng trong cơ quan dù vi phạm quy chế, nhưng nó vẫn diễn ra bởi người bán được gia tăng thu nhập, người mua thì vừa tiện lợi, vừa được tiếng giúp đỡ đồng nghiệp. Còn vấn đề công việc của cơ quan bị sao nhãng hay không thì đa số mọi người… tặc lưỡi cho qua.
Nhiều chủ “shop online” dạng này ban đầu chỉ bán cho người quen, sau tận dụng nền tảng mạng xã hội để mở rộng khách hàng, và dường như với không ít người khi thu nhập từ bán hàng khá dần lên thì đồng lương còm của viên chức sẽ trở nên nhạt nhòa giống như chính vị trí mà viên chức đã từng mơ ước và đang theo đuổi.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao sau rất nhiều lần các cơ quan hành chính, đơn vị hành chính sự nghiệp thực hiện tái cấu trúc mô hình tổ chức, sắp xếp nhân sự, song hiện tượng “chân trong, chân ngoài” vẫn tồn tại ? Nếu như thời bao cấp đồng lương ba cọc ba đồng không đủ sống nên người người, nhà nhà nghĩ đủ mọi cách kiếm thêm thu nhập, thì hiện nay lý do chính là gì. Có phải vẫn là câu chuyện người đông, việc ít, đồng lương khiêm tốn?
Bán hàng như trên chỉ là một ví dụ, việc làm thêm của nhiều vị công chức, viên chức còn là mở quán cà phê, “lướt” chứng khoán, làm trung gian, môi giới giao dịch bất động sản.v.v.. Với lĩnh vực giáo dục thì chúng ta đã quá quen thuộc với câu chuyện “dạy thêm”; còn lĩnh vực y tế thì việc bác sĩ làm thêm ngoài giờ đã trở nên phổ biến, nhất là ở thành phố.
Hiện tượng “chân trong, chân ngoài” chắc chắn ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng công việc chính thức, nhưng như đã nêu trên, vì nhiều lý do khác nhau và dù xã hội ủng hộ hay phản đối (ví dụ vấn đề dạy thêm) thì nhìn chung đây vẫn được nhìn nhận như một bài toán khó giải và thường được chấp nhận như một “sự đã rồi”: muốn hay không muốn thì thực tế đã diễn ra như vậy !
Chúng ta đã và đang hướng đến xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân… Khi nói đến chuyên nghiệp thì rõ ràng phải giảm thiểu và dần chấm dứt tình trạng “chân trong, chân ngoài”. Từ trải nghiệm của bản thân thời bao cấp đến nay, tôi cho rằng đây là việc cần thiết nhưng phải có những giải pháp căn cơ thì mới khả thi, nếu không thực tế đã chứng minh hai chữ “làm thêm” có sức sống rất dai dẳng.
Mới đây Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu thông điệp “cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, trong đó gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Tin tưởng rằng cuộc cách mạng lần này sẽ đặt nền móng vững chắc để thực sự “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”.
TÔ NGỌC DOANH (chuyên gia Truyền thông và Thương hiệu ngành ngân hàng)
Với khoảng 2,5 triệu cán bộ, công chức, viên chức, hơn 3,5 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp, 70% ngân sách đang được chi cho hoạt động thường xuyên, chỉ còn 30% dành cho đầu tư phát triển. Quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ thực hiện trên các nguyên tắc cơ bản như : hợp nhất các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ; kết thúc hoạt động của các đơn vị trung gian không cần thiết, chuyển giao chức năng về các cơ quan phù hợp. Khoảng 100.000 – 150 000 cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị ảnh hưởng. Tại Pháp, bộ máy dịch vụ công bao gồm ba lĩnh vực (Trung ương, Địa phương và hệ thống bệnh viện công), tổng cộng là 5,7 triệu người vào năm 2022 : Trung ương 2,5 triệu người (45%), địa phương 1,9 triệu người (34%) và bệnh viện công 1,2 triệu người (21%). |