Việt Nam : không đạt được mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế cho năm 2022
Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực mở cửa du lịch (ngày 15/3/2022) nhờ triển khai thành công chương trình tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 nhưng đã không tận dụng được lợi
Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực mở cửa du lịch (ngày 15/3/2022) nhờ triển khai thành công chương trình tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 nhưng đã không tận dụng được lợi thế khi đến cuối năm 2022 chỉ đón 3,66 triệu lượt khách, thấp hơn so với chỉ tiêu 5 triệu đề ra hồi đầu năm.
Trong khi đó, các quốc gia khác ở Đông Nam Á đều hoàn thành, thậm chí vượt mục tiêu. Việt Nam còn nằm trong nhóm chậm phục hồi du lịch quốc tế.
Theo các chuyên gia, việc không đạt mục tiêu chủ yếu tập trung vào ba nguyên nhân là chính sách visa chưa có thay đổi phù hợp thực tế, các sản phẩm du lịch chất lượng còn thiếu và sự sẵn sàng chưa tốt sau hai năm đại dịch.
Thủ tục visa không có sự thay đổi
Thủ tục visa đối với khách quốc tế còn bất cập (số quốc gia được miễn ít, thời gian ngắn) được xem là điểm nghẽn chính cản trở khách quốc tế đến Việt Nam so với khu vực.
Lấy ví dụ : Tháng 3 ngay sau khi Việt Nam mở cửa, có 1 nhóm khách đầu tiên tới Hạ Long. Họ thuộc diện miễn visa 15 ngày ra vào một lần. Lịch trình của họ là đến Hạ Long, sau đó kết hợp tham quan Campuchia và quay về Việt Nam để nghỉ ở bãi biển Vũng Tàu. Họ đã phải xin visa hai lần, thủ tục phức tạp, có lúc tưởng không thể giải quyết được.
Hiện Việt Nam miễn visa cho 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thời gian đa phần 15 ngày, một số nước Đông Nam Á 30 ngày trong khi Thái Lan miễn cho 65 quốc gia, với thời gian 90 ngày.
Ông Nguyễn Đức Chí, nguyên Phó trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch TP HCM, lấy dẫn chứng, Thái Lan đến giữa tháng 8 chỉ đón khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, bằng một phần ba mục tiêu. Sau đó, họ nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ với sự phối hợp từ Bộ Du lịch và Thể thao cùng Tổng cục Du lịch bằng chiến lược miễn visa cho khách đến 45 ngày ra vào nhiều lần. Đến cuối năm 2022, họ đã đón trên 10 triệu khách du lịch.
Mức độ sẵn sàng đón khách chưa cao
Một nguyên nhân khác nằm ở mức độ sẵn sàng đón khách quốc tế chưa tốt sau hơn hai năm đại dịch vì thiếu nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất xuống cấp…
Hơn 90% các cơ sở dịch vụ du lịch gồm lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển hầu như phải bắt đầu lại từ đầu nên cần thời gian, nguồn vốn, nhân sự, xây dựng các mối liên kết. Nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch được bàn nhiều tại các hội nghị nhưng vắng các ngành liên quan như ngoại giao, công an, tài chính…
Các chương trình xúc tiến mới thiếu và yếu
Mong muốn của du khách đã thay đổi so với trước Covid-19. Vì thế, công tác quảng bá tiếp thị, xây dựng sản phẩm du lịch, thông điệp hút khách… cần phải thiết kế lại từ đầu.
“Trong giai đoạn hiện nay khách quốc tế có xu hướng đi du lịch theo từng nhóm nhỏ, chú trọng môi trường sinh thái, bảo đảm sức khỏe. Họ đòi hỏi điểm đến có hạ tầng tốt và dịch vụ chuyên nghiệp. Các hãng lữ hành đón khách quốc tế không thể áp dụng các biện pháp thu hút trước đây, có tính chất hơi công nghiệp, các lịch trình na ná đều giống nhau.
Ngoài ra, cũng đã đến lúc thay đổi thông điệp truyền thông đến với bạn bè quốc tế, phù hợp hơn với xu thế mới. Ví dụ ‘Việt Nam có nhiều trải nghiệm’ thay vì khẩu hiệu ‘Việt Nam – vẻ đẹp bất tận’ như trước đây”, ông Trần Lê Bảo Châu, Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Việt Nam (VTF), đề nghị.
Du khách nội địa tăng vượt bậc
Du lịch nội địa có sự tăng trưởng mạnh, với hơn 100 triệu lượt khách, vượt xa mục tiêu 60 triệu. Lý do vì không có rào cản và không có cạnh tranh. Trong khi đó, du lịch quốc tế phải đối mặt với những vấn đề trên mà Việt Nam không có (hoặc chưa có) giải pháp.