Việt Nam : Triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài
Năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,09 % (mục tiêu chính thức là 6,5%), quy mô kinh tế đạt khoảng 470 tỉ USD ; lạm phát được kiểm soát dưới 4% ;
Năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,09 % (mục tiêu chính thức là 6,5%), quy mô kinh tế đạt khoảng 470 tỉ USD ; lạm phát được kiểm soát dưới 4% ; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô ; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận kỷ lục với khoảng 800 tỉ USD, thặng dư thương mại ước tính đạt khoảng 2 tỷ USD, thu ngân sách đạt 2 triệu tỷ DVN (80 tỷ USD). Số vốn đầu tư nước ngoài thu hút khoảng 40 tỷ USD, trong đó vốn FDI thực hiện 25 tỷ USD.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Công thương, tính đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, là thành viên của gần 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do FTA, đứng thứ 34 trong các nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới. Với GDP đầu người đạt trên 4700 USD, Việt Nam đã vượt qua ngưỡng các nền kinh tế trung bình thấp.
Mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam công bố báo cáo kết quả khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam quý IV/2024. Qua đó, các doanh nghiệp châu Âu ngày càng tự tin hơn vào triển vọng kinh tế của Việt Nam. 75% lãnh đạo tham gia khảo sát cho biết họ sẽ giới thiệu Việt Nam như một điểm đến đầu tư lý tưởng ; 30% các doanh nghiệp khác dự định tăng cường các hoạt động nhập khẩu/xuất khẩu hoặc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận dụng những lợi thế thương mại… Các dữ liệu này cho thấy Việt Nam được coi như một mắt xích quan trọng trong thương mại và đầu tư khu vực cũng như sự công nhận ngày càng gia tăng về tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.
“Thực tế cho thấy, môi trường đầu tư tích cực của Việt Nam đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng đang mở rộng, chính sách cởi mở và minh bạch…Là các các yếu tố chủ đạo để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp FDI muốn mở rộng hoạt động tại khu vực Đông Nam Á ».
Nhiều cơ hội thuận lợi để “cất cánh” năm 2025
Theo các chuyên gia kinh tế, với những kết quả trên, kinh tế Việt Nam năm 2025 có nhiều cơ hội thuận lợi để “cất cánh”. Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách Việt Nam, một số rủi ro có thể ảnh hưởng như : Giải ngân đầu tư công còn chậm và không đồng đều ; Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang hiện hữu. Bên cạnh đó, áp lực từ giá dầu, hàng hóa thế giới và biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, nhập khẩu và sức mua.
Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng 7,0% – 7,5% cho năm 2025, trong khi Thủ tướng Phạm Minh Chính gần đây đã kêu gọi đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% với sự hỗ trợ từ việc giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút thêm đầu tư.