XO LỘC – NGÀY TẾT NÔNG NGHIỆP ĐẶC SẮC CỦA NGƯỜI TÀY, NÙNG
Người Tày, Nùng cư trú đông ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Người Tày có số lượng dân số đông thứ 2 ở Việt Nam theo số liệu 2019. Hiện nay, có

Người Tày, Nùng cư trú đông ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Người Tày có số lượng dân số đông thứ 2 ở Việt Nam theo số liệu 2019. Hiện nay, có một bộ phận đồng bào di cư vào các tỉnh Tây Nguyên và vùng Nam Bộ để phát triển kinh tế. Bằng bàn tay, khối óc và sự miệt mài lao động của mình, người Tày, Nùng đã khai phá tự nhiên, làm chủ vùng văn hóa thung lũng núi cao và đặc biệt là xây dựng được một nền văn hóa có cả chiều sâu triết lý cũng như chiều rộng về phạm vi ảnh hưởng. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, truyền thống văn hóa ấy vẫn được đồng bào trân trọng, nâng niu và gìn giữ. Đó là một kho tàng về lịch sử, văn hóa và nhân học khiến cho ai khi lãng du trong chốn ấy đều cảm thấy vừa quen, vừa lạ mà thú vị vô cùng.
Không có gì quý và chân thực hơn khi người dân tộc họ tự viết về phong tục tập quán của mình. Từ những cái Tết trong một năm và các lễ hội mang đặc trưng của nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, như : Tết Nguyên đán ; Tết đắp nọi ; Tết Thanh minh (ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch hằng năm) ; Tết Đoan ngọ (ngày mùng 5 tháng Năm âm lịch ; Tết Khoăn vài (vía trâu) ; Tết Xo lộc ; Tết Rằm tháng Bảy (Tết Trung nguyên) ; Tết Trung thu ; Tết mừng cơm mới (Tết Trùng cửu), tổ chức vào ngày 9 tháng Chín âm lịch Tết Trùng thập (ngày 10 tháng Mười âm lịch đến Lễ mừng thọ, hội Lồng Thồng (còn gọi là lễ hội xuống đồng) để cầu cúng thần Nông – vị thần cai quản ruộng đồng, vườn tược, gia súc, làng bản cho được cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, mọi người no ấm, bản làng yên lành ; Lễ hội Nàng Hai của dân tộc Tày – Nùng được bắt đầu vào tháng Giêng và kéo dài đến trung tuần tháng Ba… Các truyền thuyết ở từng địa phương Lạng Sơn, Cao Bằng như thuồng luồng, Nùng Trí Cao, múa Sư tử mèo …và lịch sử hình thành các miếu, đền,… nghi lễ trong sinh hoạt hàng ngày giáo dục con cháu biết đối nhân xử thế.
Văn hóa truyền thống Tày – Nùng phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, kết tinh nên những giá trị nhân văn cao đẹp cần được chắp bút lại để người già giữ lửa, người trẻ khơi nguồn, lưu truyền nét đẹp văn hóa này có thể chảy mãi, chảy mãi đến muôn đời sau trong đời sống văn hóa đương đại hiện nay.
Bài viết xin được tiếp tục giới thiệu lễ XO LỘC – NGÀY TẾT NÔNG NGHIỆP ĐẶC SẮC CỦA NGƯỜI TÀY, NÙNG
Xo lộc là dịp tết gắn với chu kỳ nông nghiệp của người Tày, Nùng phổ biến ở các tỉnh vùng Việt Bắc. Tết xo lộc được đồng bào tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch hàng năm. Trong dịp này, người Tày, Nùng thường dâng các loại bánh trái, hoa quả, thịt vịt lên các vị thần linh, tổ tiên và thực hiện một số phép ma thuật. Chữ xo trong danh từ tết xo lộc (cũng có nơi gọi là tết xo hốc) chỉ 10 ngày đầu của tháng âm lịch, tương ứng với chữ mùng trong tiếng Việt. Còn chữ lộc có nghĩa là số 6 (mượn âm Hán). Như vậy tết xo lộc nghĩa là tết vào ngày mùng 6 chứ không phải là xin lộc như nhiều người vẫn quan niệm. Theo sách Tục lệ Lạng Sơn thì Tết xo lộc còn được gọi là Tết thượng điền và là ngày lễ rất quan trọng của chu kỳ nông nghiệp.
Tết xo lộc được tổ chức khi lúa đã gần chín và sắp được thu hoạch. Đồng bào Tày, Nùng quan niệm đã có thủy (khởi đầu) thì phải có chung (kết thúc) nên đầu năm trước khi cày cấy đã làm lễ lồng tồng (xuống đồng) để xin phép thần nông ban cho mưa thuận gió hòa, nay lúa đã gần chín thì phải làm lễ để tạ ơn trước khi thu hoạch. Theo tục lệ trước đây thì mỗi khi đến dịp tết này, lý trưởng trực tiếp đến từng gia đình trong bản thu tiền để sắm sửa lễ vật đến miếu dâng cúng thần nông (tiên nông). Dịp đó dân làng thường mời thầy mo đến miếu, thay mặt dân làng để tạ ơn thần nông đã ban cho mùa màng bội thu. Ngoài thần nông, dân làng còn dâng cúng thần hoàng trùng (thần sâu bọ) và thần đạo ôn với mục đích xin thần không phá hoại đồng ruộng. Tuy nhiên những năm gặp phải nạn châu chấu và bệnh đạo ôn phá hoại mùa màng, đồng bào cũng sử dụng cả những biện pháp tâm linh, ma thuật để chống lại như đem máu chó vẩy bốn góc ruộng và dùng máu chó (hoặc máu gà) bôi lên tờ giấy bản, làm thành cây nêu rồi cắm tại góc ruộng.
Ngoài ra đồng bào cũng quan niệm : Tết xo lộc đánh dấu thời điểm con trâu đã kết thúc công việc cày bừa và cần được nghỉ ngơi. Do trong thời gian cày bừa giúp việc nhà nông cho con người, con trâu thường xuyên bị người quát, đánh nên khiến nó bị giật mình và hồn vía siêu tán (khoăn ni). Vì hồn vía bị siêu tán nên khiến cho trâu bị ốm và ăn ngủ không ngon. Do vậy đến ngày mùng 6 tháng 6, nhiều nhà đem mâm cúng ra ngoài ruộng để gọi vía trâu về chuồng.
Cũng có nơi đồng bào Tày, Nùng cho rằng tết xo lộc là ngày kỷ niệm Nùng Trí Cao bị quân của Tống Địch Thanh vây hãm khi đánh lên phương Bắc. Ở vùng người Choang Quảng Tây (Trung Quốc), người ta cúng xôi cẩm vào ngày tết xo lộc để tưởng nhớ lại việc Nùng Trí Cao phải giết ngựa để lấy máu nấu thành cơm mà ăn trong những ngày bị vây khốn. Xôi cẩm chính là món tượng trưng cho bát cơm nấu bằng máu ngựa năm xưa.

Lễ vật để dâng cúng thần linh và tổ tiên của người Tày, Nùng trong tết xo lộc là các loại bánh được làm từ gạo nếp như bánh dày, bánh rợm, bánh gai. Đặc biệt, do tết này gắn với tục gọi vía trâu nên đồng bào cúng cả loại bánh chưng chay hình tam giác giống chiếc sừng của con trâu, bò gọi là pẻng coóc mò. Ngoài bánh coóc mò, đồng bào cũng dùng thịt gà hoặc vịt để cúng thần. Trong đó, con vịt được ưa chuộng hơn cả vì người Tày, Nùng quan niệm những tháng mùa hè thường có mưa to làm nước con sông Ngân Hà (con sông ngăn cách hai cõi trời và đất) dâng cao nên con gà không thể lội qua sông. Do đó người ta thường cúng vịt để con vịt mang theo những lễ vật và lời cầu nguyện của con người đến với các vị thần ở cõi thiêng liêng. Đặc biệt khi cúng thịt vịt, đồng bào không bóc màng chân vì cho rằng nếu bóc đi thì con vịt sẽ không thể nào bơi qua sông được.
Nếu tết nguyên đán (nèn cải) và tết tháng bảy (bươn chất slíp slí – tháng bảy ngày mười bốn) còn giữ được quy mô và sự ảnh hưởng quan trọng trong cộng đồng thì ngày nay, do sự thay đổi của xã hội và con người nên tết xo lộc đã mất dần vai trò cộng đồng mà chỉ còn tồn tại với tư cách là một nghi lễ gia đình. Vào ngày tết này, tuy không còn có sự náo nhiệt tại miếu thổ công hay khoảnh khắc sum họp gia đình mừng lúa mới nhưng những người con Tày, Nùng vẫn tận tâm sắm sửa những lễ nghi, một lòng thành kính dâng nén hương thơm để tạ ơn và tưởng nhớ các bậc tiên hiền. Tết xo lộc cũng thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn và sự chu đáo, có thủy có chung.
oàng Thị Hồng Hà