Xuất khẩu gỗ của Việt Nam
Việt Nam đang là một trong những trung tâm sản xuất, chế biến và xuất khẩu đồ gỗ lớn của thế giới. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2023 đạt 13,4 tỷ
Việt Nam đang là một trong những trung tâm sản xuất, chế biến và xuất khẩu đồ gỗ lớn của thế giới. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2023 đạt 13,4 tỷ USD. Riêng xuất khẩu sản phẩm từ gỗ ước đạt 9,2 tỷ USD.
Đáng chú ý, mặt hàng ghế ngồi có kim ngạch xuất khẩu đạt 2,83 tỷ USD, chiếm khoảng 21% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng gỗ trong năm vừa qua.
Trong đó, ghế ngồi đã nhồi đệm đạt 1,87 tỷ USD, chiếm 65,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng ghế ngồi, ghế ngồi loại khác đạt 539,9 triệu USD. Bộ phận ghế ngồi và loại khác đạt 401,51 triệu USD. Các sản phẩm từ gỗ được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản…
Tuy nhiên, mặt hàng ít ngờ tới là dăm gỗ (gỗ vụn dưới 3 cm) và viên nén (mùn cưa được nén lại thành viên) được xuất khẩu với trị giá gần 2,9 tỷ USD. Cụ thể, nước ta xuất khẩu gần 14,42 triệu tấn dăm gỗ (giá trị đạt 2,22 tỷ USD) sang 13 quốc gia, đứng đầu là Trung Quốc và Nhật Bản và 4,67 triệu tấn viên nén (giá trị đạt gần 680 triệu USD) sang 22 quốc gia, đứng đầu là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Riêng đối với thị trường Âu châu (EU),Việt Nam đã xuất khẩu gần 700 triệu USD gỗ và các sản phẩm gỗ. Các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng trong nước và gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn rủi ro thấp, có chứng chỉ bền vững như từ EU và Hoa Kỳ.
Việt Nam hiện đang thực hiện chính sách bảo vệ rừng tự nhiên và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động chuyển đổi rừng tự nhiên sang các mục đích sử dụng khác nên diện tích rừng tự nhiên không có biến động đáng kể. Hơn nữa, các nhà mua tại EU đã và đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn sản xuất và tiêu dùng bền vững tự nguyện đối với các sản phẩm gỗ, như các sản phẩm có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định VPA/FLEGT, cam kết tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang EU là hợp pháp và không gây mất rừng. Hiện Việt Nam đang tích cực nội luật hóa và xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp VNTLAS để kiểm soát toàn bộ chuỗi cung, bao gồm cả chuỗi cung nội địa và xuất khẩu.