Xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài
Trong những năm gần đây, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã tăng lên đáng kể. Năm 2019, cả nước đưa được gần 153.000 người
Trong những năm gần đây, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã tăng lên đáng kể. Năm 2019, cả nước đưa được gần 153.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm, còn 78.000 và 45.000 người lần lượt qua các năm.
Đến năm 2022, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng trở lại, với tổng số 143.000 người. Trong 9 tháng của năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là hơn 111.500 lao động. Việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã giúp họ, nhất là lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cải thiện cuộc sống bản thân và gia đình.
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình và ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết: ” Đi lao động có thời hạn ở nước ngoài là một phương thức giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt có hiệu quả đối với nhiều đối tượng người lao động tỉnh Quảng Bình. Năm 2022, Quảng Bình đưa được 4.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài, mang ngoại tệ một năm gửi về khoảng gần 5.000 tỷ đồng (190 triệu USD). Và thông qua lao động có thời hạn ở nước ngoài, người lao động được đào tạo về tác phong công nghiệp rồi đi về có vốn nhất định. Có rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xuất phát từ một người đi lao động nước ngoài, sau về trở thành người không chỉ biết cách lập nghiệp mà còn sáng nghiệp, tạo ra nhiều phương thức làm ăn trong tổ chức sản xuất kinh doanh và tạo ra nhiều việc làm”.
Gia Lai là tỉnh nghèo miền núi, hiện có 930.000 người trong độ tuổi lao động, đa số lao động ở khu vực nông nghiệp. Vừa qua, Gia Lai cũng có những biện pháp để thực hiện chương trình xuất khẩu lao động. Trong năm 2022, tỉnh đã đưa 1.200 lao động đi làm việc ở nước ngoài và trong 9 tháng của năm 2023 đạt được gần 1.300 lao động.
Theo số liệu ước tính của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), hiện nay, Việt Nam có khoảng 650.000 lao động đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung ở các thị trường, như: Nhật Bản, khoảng 300.000 người ; Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 250.000 người ; Hàn Quốc khoảng 50.000 người. Số lao động còn lại ở các thị trường Châu Âu, Trung Đông và Malaisie. Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với nhiều loại hình ngành nghề công việc khác nhau, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo chiếm 80% gồm (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử…) ; còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ gồm (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc trong gia đình).
Về mức lương, thu nhập của người lao động ở Hàn Quốc là cao nhất hiện nay, khoảng 1.600 đến 2.000 USD/người/tháng. Còn ở Nhật Bản, người lao động có thu nhập 1.200 đến 1.500 USD/người/tháng. Và ở Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 800 đến 1.200 USD/ngươi/tháng và một số nước Châu Âu cũng vậy. Ở thị trường Trung Đông và Malaisie, nếu người lao động có nghề, thu nhập khoảng 600 đến 1.000 USD/người/tháng, đối với lao động phổ thông, không có nghề thì thu nhập 400 đến 600 USD/người/tháng.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu lao động cũng có mặt trái của nó.
Nhiều ngôi nhà tranh vách đất đã bỗng chốc biến thành nhà lầu lộng lẫy chốn thôn quê, song sóng gió cũng từ đó mà nổi lên, nhiều gia đình tan đàn sẻ nghé.
Không ít những giá trị đạo đức, văn hóa của làng quê Việt hun đúc tự ngàn đời, nay bị xuống cấp, bị đảo lộn. Tệ nạn, lối sống lai căng, tạp nham từ khắp nơi trên thế giới bỗng chốc ùa về chốn thôn quê từ lúc nào chẳng hay. Cái giá phải trả không phải nhỏ !
Khó mà trách được những người lao động, đa phần vốn ít học, ra đi từ nghèo khó để “tự cứu lấy mình”. Đa số chưa có tay nghề, hoặc trình độ thấp, phải làm các công việc nặng nhọc, công việc người bản xứ không làm.
Có chăng, chính là trách nhiệm của những người hoạch định chính sách xuất khẩu lao động, các cấp chính quyền, đoàn thể, các công ty làm dịch vụ.
Nếu chỉ biết đưa thật nhiều lao động sang xứ người để thu ngoại tệ, để lấy tiền dịch vụ, mà quên không chuẩn bị hành trang cho họ lúc đi và trở về, quên luôn cả sự xáo trộn cơ cấu gia đình-xã hội ở nhiều vùng quê, tức là vô cảm và cả có phần vô trách nhiệm.
Bao giờ Việt Nam không chỉ xuất khẩu lao động « cơ bắp » mà có khả năng đưa xuất khẩu chất xám ra xứ người ?